Saturday, September 12, 2009

Kinh tế toàn cầu kỷ niệm một năm sống trong "Bão tố"

Ngày 15/9/2008, Lehman Brothers, một trong những ngân hàng lâu đời và uy tín nhất thế giới, sụp đổ. Cuộc khủng hoảng kinh tế có quy mô lớn nhất trong vòng 60 năm trở lại đây chính thức bắt đầu.

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng nguyên nhân của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ hoạt động cho vay thế chấp dưới chuẩn tại Mỹ. Các ngân hàng của nước này đã cho phép những khách hàng có độ rủi ro tín dụng cao được phép vay tiền. Những khoản vay này, cùng với trái phiếu và tài sản thế chấp khác trở thành các Chứng chỉ nợ (CDO) - một loại hàng hóa được ưa chuộng trên thị trường tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên, việc nhà đất trượt dốc trong khi lãi suất ngân hàng tăng khiến nhiều khách hàng mất khả năng trả nợ. CDO cũng vì thế mà kém sức hút đối với nhà đầu tư. Các ngân hàng miễn cưỡng phải cho nhau vay tiền trong khi không biết đối tác đang sở hữu bao nhiêu nợ xấu.

Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tín dụng nhanh chóng vượt khỏi biên giới nước Mỹ. Các ngân hàng đầu tư tại Australia cũng nhanh chóng ghi nhận lỗ. Họ ngừng bán ra trái phiếu trong khi hồi hộp chờ đợi diễn biến thị trường.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ và Ngân hàng trung ương châu Âu nhanh chóng nhảy vào cuộc bằng cách nới lỏng chính sách cho vay đối với các ngân hàng. Tỷ lệ lãi suất cũng được cắt giảm trong nỗ lực cứu vãn thị trường tín dụng.

Tuy nhiên những biện pháp ngắn hạn nêu trên không thể giúp các ngân hàng giải bài toán thanh khoản. Nguồn tiền cho vay không có sẵn khiến các công ty, cá nhân và ngay chính các ngân hàng lâm vào tình trạng khốn đốn. Người ta nhìn thấy những dấu hiệu đầu tiên của suy thoái như thất nghiệp, vỡ nợ hay giá tiêu dùng tăng vọt.

Tại Anh, ngân hàng Northern Rock phải nhờ đến khoản vay khẩn cấp của Chính phủ để tồn tại trong khi vẫn lo lắng về khoản tiền 2 tỷ bảng (3,3 tỷ USD) có thể bị các khách hàng gửi tiền rút bất cứ lúc nào. Ngân hàng này nhanh chóng bị quốc hữu hóa. Trong khi đó, sự sụp đổ của ngân hàng Bear Stearns làm tổn thương nghiêm trọng niềm tin của thị trường và đặt dấu chấm hết cho các ngân hàng chỉ hoạt động trong lĩnh vực đầu tư.

Trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp lâu dài, Chính phủ Mỹ đồng ý thông qua gói cứu trợ trị giá 700 tỷ USD giúp mua lại nợ xấu của Phố Wall. Kế hoạch này thực chất là việc Chính phủ nước này vay tiền từ thị trường tài chính thế giới. Họ hy vọng có thể trả được những khoản vay này một khi thị trường nhà đất ổn định trở lại.

Nước Anh cũng thực hiện một kế hoạch tương tự bằng việc bơm khoảng 400 tỷ Bảng (660 tỷ USD) cho 8 ngân hàng hàng đầu nước này. Đổi lại, Chính phủ sẽ nắm một lượng cổ phần nhất định của các ngân hàng này.

Các nền kinh tế lớn trên thế giới nhanh chóng chịu ảnh hưởng dây truyền của cuộc khủng hoảng tín dụng. Nhiều chính sách đối phó được đưa ra. Chính phủ Pháp hay Iceland tiến hành quốc hữu hóa một số ngân hàng trong khi tại Mỹ hay Canada, ngân hàng trung ương cố gắng cắt giảm lãi suất xuống khoảng 0,5%.

Tiếp theo thị trường tài chính, chứng khoán bắt đầu phản ứng trước những tin tức không mấy tốt lành. Niềm tin của các nhà đầu tư lung lay, cổ phiếu ngành ngân hàng trượt giá do nợ xấu trong khi các hãng bán lẻ cũng ở tình trạng tương tự do sức mua sụt giảm. Nhiều chuyên gia nhận định, cuộc khủng hoảng kinh tế mới chỉ bắt đầu.

Những vụ phá sản, sáp nhập hay quyết định đối phó của chính phủ các nước trở thành cột mốc đáng nhớ trên hành trình "xuống đáy" của cuộc khủng hoảng kinh tế làm rung chuyển cả thế giới suốt thời gian qua.

8/2/2007: Ngân hàng HSBC cảnh báo lỗ với hoạt động cho vay dưới chuẩn

Tập đoàn ngân hàng lớn thứ tư thế giới thông báo về việc Household Finance, công ty con chuyên cho vay thế chấp tại Mỹ lâm vào cảnh thua lỗ do sự đi xuống của thị trường nhà đất. HSBC cũng cảnh báo về ảnh hưởng của hiện tượng này đối với kinh tế toàn cầu. (Ảnh: Getty Images)

2/4/2007: New Century phá sản

Công ty hàng đầu trong hoạt động cho vay dưới chuẩn tại Mỹ, New Century Financial, buộc phải nộp đơn bảo hộ phá sản. Đây được coi là một trong những dấu hiệu bất ổn đầu tiên của thị trường cho vay thế chấp tại Mỹ. Cổ phiếu của các ngân hàng chuyên về hoạt động kinh doanh này như Countrywide cũng chịu nhiều sức ép. (Ảnh: Getty Images)

9/8/2007: Thị trường tín dụng đóng băng

Tín dụng rơi tự do sau khi BNP Paribas thông báo rằng 2 trong số những quỹ lớn nhất của họ "hoàn toàn mất thanh khoản" đối với những tài sản liên quan đến chứng khoán. Ngân hàng trung ương châu Âu buộc phải bơm khoảng 170 tỷ Euro vào thị trường ngân hàng trong khi FED cố gắng cắt giảm tỷ lệ lãi suất. Tuy nhiên, Ngân hàng trung ương Anh vẫn từ chối can thiệp vào thị trường tín dụng. (Ảnh: Getty Images)

14/9/2007: Nothern Rock thoi thóp
Khách hàng tại một trong những ngân hàng uy tín hàng đầu nước Anh ồ ạt rút tiền sau khi thông tin về việc Northern Rock đang phải sống nhờ nguồn gói tài chính khẩn cấp của Ngân hàng trung ương Anh. Vấn đề mà ngân hàng chính là phụ thuộc quá nhiều vào hoạt động kinh doanh tài chính quy mô lớn trong khi thị trường này đang đi xuống. (Ảnh: Getty Images)

17/3/2008: Giải cứu Bear Stearns
Ngân hàng đầu tư Bear Stearns cuối cùng cũng được cứu khỏi nguy cơ phá sản bởi chính đối thủ lâu năm JP Morgan Chase sau khi chính phủ Mỹ đứng ra đảm bảo cho khoản lỗ lên tới 30 tỷ USD của ngân hàng này. Tuy cho thấy tính chất nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tài chính nhưng sự kiên này cũng mang đến cho nhiều nhà đầu tư hy vọng về việc chính phủ Mỹ đang chuẩn bị hành động để cứu vớt nền kinh tế. (Ảnh: Getty Images)

7/9/2008: Đến lượt Fannie Mae

"Những kẻ cùng đường" tiếp theo được chính phủ Mỹ ra tay cứu vớt là hai gã khổng lồ trong lĩnh vực cho vay cầm cố là Fannie Mae và Freddie Mac. Hai công ty này tạm thời được chuyển thành sở hữu công sau khi được trợ giúp nhằm thoát khỏi những khoản lỗ khổng lồ. (Ảnh: Getty Images)

15/9/2008: Lehman Brothers sụp đổ
Ngân hàng đầu tư nổi tiếng của Mỹ Lehman Brothers chính thức phá sản sau khi chính phủ nước này từ chối kế hoạch giải cứu tốn kém. Cùng lúc đó Merrill Lynch được mua lại bởi Bank of America sau khi đối mặt với những khoản lỗ khổng lồ. 24 giờ sau, đại gia bảo hiểm AIG cũng phải nhờ vào khoản vay khẩn cấp 85 tỷ USD từ Bộ Tài chính Mỹ để tồn tại. AIG lâm vào cảnh khốn đốn do tham gia bảo hiểm cho các khoản vay thế chấp. (Ảnh: Getty Images)

17/9/2008: Lloyds mua lại HBOS
Ngân hàng Lloyds đồng ý mua lại Halifax Bank of Scotland (HBOS) với giá 12,2 tỷ Bảng. Ngân hàng cho vay thế chấp lớn nhất nước Anh lâm vào cảnh khó khăn sau khi cổ phiếu của HBOS mất giá mạnh do niềm tin của khách hàng. Sau khi sát nhập, ngân hàng này nắm khoảng 1/3 số tài sản được cầm cố tại Anh. (Ảnh: Getty Images)

3/9/2008: Mỹ thông qua gói cứu trợ trị giá 700 tỷ USD

Cuộc giải cứu tài chính lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ được thông qua sau nhiều tranh cãi tại hai viện Quốc hội Mỹ. Các nghị sỹ của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa nước này đều miễn cưỡng thông qua kế hoạch tốn kém này sau khi cuộc khủng hoảng đã gõ cửa từng gia đình Mỹ. Cả hai ứng cử viên Tổng thống vào thời điểm này đều bày tỏ sự ủng hộ đối với việc giải cứu kinh tế. (Ảnh: Getty Images)

13/10/2008: Chính phủ Anh can thiệp vào RBS và Lloyds-HBOS

Cả RBS và HBOS, hai ngân hàng hàng đầu tại Anh phải đối mặt với những vẫn đề nghiêm trọng khi thị trường tài chính sụp đổ. Sau khi sát nhập với HBOS, đến lượt Lloyds không chịu nổi những khoản nợ khổng lồ từ phía đối tác. Trong khi đó, RBS phải vật lộn trong cuộc sát nhập đầy tốn kém với ABN-AMRO. Tình cảnh đó buộc chính phủ Anh phải bơm khẩn cấp khoản tiền 37 tỷ Bảng cho cả hai ngân hàng. (Ảnh: Getty Images)

16/12/2008: FED đưa lãi suất cơ bản về sát mốc 0%

Cục dự trữ liên bang Mỹ cắt giảm tỷ lệ lãi suất xuống còn từ 0 đến 0.25% trong nỗ lực tránh suy giảm sâu cho nền kinh tế. Đây là mức lãi suất thấp nhất mà FED từng công bố trong lịch sử của mình. Cơ quan này cũng bắt đầu kế hoạch bơm tiền vào nền kinh tế, giúp việc vay tiền của cá nhân và doanh nghiệp thuận lợi hơn. (Ảnh: Getty Images)

14/2/2009: Gói kích thích kinh tế 787 tỷ USD được Mỹ thông qua

Tân Tổng thống Obama có được thành công đầu tiên khi thuyết phục quốc hội thực hiện kế hoạch mà theo ông, sẽ giúp kinh tế Mỹ phục hồi. Phần lớn khoản tiền này được sử dụng nhằm tạo việc làm mới cũng như dành cho chi tiêu công, đầu tư vào hệ thống giao thông, trường học và năng lượng xanh. (Ảnh: Getty Images)

2/4/2009: Hội nghị thượng đỉnh G20 tại London

Tại hội nghị này, nhà lãnh đạo của các nền kinh tế lớn trên thế giới đã cam kết chi thêm tổng cộng hơn 1000 tỷ USD để giúp kinh tế toàn cầu vượt dốc. Thủ tướng Anh Gordon Brown coi đây là điểm nút của cuộc khủng hoàng kinh tế thế giới. Tuy nhiên, không phải mọi khoản tiền được chi ra đều mang lại hiệu quả. (Ảnh: Getty Images)

22/4/2009: Ngân sách nước Anh thâm hụt nặng

Những khoản chi tốn kém trong thời kỳ khủng hoảng đã khiến nước Anh phải chịu mức thâm hụt ngân sách nặng nề nhất trong lịch sử, khoảng 175 tỷ Bảng. Tổng số nợ của chính phủ nước này có thể lên tới gần 1.000 tỷ Bảng vào năm 2014. Các quan chức cao cấp cho rằng, nước Anh cần 10 năm để trở về với tình trạng ngân sách trước khủng hoảng. (Ảnh: Getty Images)

đâs
Biểu đồ diễn biến chỉ số chứng khoán Dow Jones (Mỹ) và FTSE 100 (Anh) từ năm 2007 đến nay.

Nguồn: Bloomberg.

No comments:

Post a Comment