Saturday, September 26, 2009

Cuộc khủng hoảng và trật tự thế giới mới

Cuộc khủng hoảng và trật tự thế giới mới

Fukuyama, cha đẻ của quan niệm lịch sử cáo chung, trong một bài luận gần đây đã phải thừa nhận rằng: hai giá trị quan trọng nhất là Tự do và Dân chủ kiểu Mỹ đang bị thách thức chưa từng thấy. Nếu nước Mỹ không tìm lại được thứ quyền lực mềm ấy, nước Mỹ sẽ phải nhường sân khấu cho những nhân vật khác.

Nhân vật đó có thể là ai khác nếu không phải là Trung Quốc. Sự nổi lên của Trung Quốc với một hệ giá trị khác đã biến vết rạn trong tư tưởng của Mỹ trở nên sâu sắc thêm trong hiện thực.

Trung Quốc đã phát triển tốc độ nhanh trong 30 năm qua nhờ mô hình chủ nghĩa tư bản có sự can thiệp mạnh của nhà nước. Mới đây, Nhân dân Nhật Báo Trung Quốc khôn khéo trấn an phương Tây: “không thể có chuyện mô hình Trung Quốc sẽ được lan truyền rộng rãi. Phương Tây chẳng cần phải lo lắng về điều này…”

Tờ Nhân Dân của Trung Quốc vội vàng bác bỏ khả năng Trung Quốc muốn “xuất khẩu” mô hình của mình như Liên Xô ngày trước để tạo ra đối cực với mô hình Mỹ, thanh minh rằng nước này không có ý đồ ảnh hưởng địa chính trị tới các quốc gia đang phát triển khác bằng mô hình của mình.

Nhưng nhìn những bước chân rầm rập của người Trung Quốc ra khắp thế giới trong khoảng thời gian gần đây, người ta thấy điều ngược lại. Trung Quốc đã và đang phát huy ảnh hưởng mạnh mẽ của mình bằng nhiều phương cách từ viện trợ tới đầu tư lên các quốc gia láng giềng gần gũi như Lào, Campuchia, Myanmar…. cho tới những quốc gia ở Châu Phi xa xôi. Trung Quốc đã trỗi dậy và còn đang mở rộng vòng khuynh loát của mình với một tốc độ và cường độ đáng lưu tâm.

Nửa đùa nửa thật, báo chí phương Tây tự hỏi liệu có đến một thời điểm mà thế giới sẽ đi theo “Đồng thuận Bắc Kinh” chứ không còn theo “Đồng thuận Washington” nữa. Tinh thần của Đồng thuận ấy chắc sẽ là: tăng tập quyền và điều tiết mạnh hơn, ngược với Đồng thuận cũ.

Bắc Kinh sẽ đi viện trợ, cho vay khắp thế giới với điều kiện các quốc gia đi vay phải điều tiết mạnh hơn, quản lý chặt hơn và nhà nước hóa. Đương nhiên, cũng như Mỹ, Nhật Bản, phương Tây viện trợ bây giờ, điều kiện đi kèm sẽ là sự thâm nhập của công ty và hàng hóa Trung Quốc vào tài nguyên và thị trường nội địa.

‘Đồng thuận Bắc Kinh” có thể là chuyện đùa phi hiện thực nhưng những động thái viện trợ, cho vay, tài trợ như kể trên của Trung Quốc với các nước nghèo hơn lại hiện hữu. Mà đâu chỉ nước nghèo, đừng quên Trung Quốc chính là chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Bán kính của vòng khuynh loát ngày càng dài hơn khiến không ít người mơ hồ cảm thấy bóng dáng của một trật tự mới đang manh nha định hình trong thế giới hiện thực.

Bình minh ca lch s

Cuộc khủng hoảng “Made in America” này đã làm cho nước Mỹ ngậm ngùi đi xuống còn Trung Quốc lại đang phơi phới đi lên. Phóng tầm mắt nhìn vào tương lai, có thể thấy Mỹ - Trung sẽ là hai cực lớn nhất trong một bàn cờ có thêm các cực khác nhỏ hơn. Xét trên khía cạnh cân bằng chính trị quốc tế, cuộc khủng hoảng này sẽ là điểm khởi phát cho một thế giới chia đôi như vậy. Mỹ sẽ không còn nắm quyền bá chủ được nữa.

Kết luận trong báo cáo mới đây của Hội đồng tình báo Quốc gia Mỹ về tương lai củng cố cho nhận định đó: “Khủng hoảng mở đầu tiến trình tái cân bằng nền kinh tế toàn cầu. Của cải sẽ tập trung nhiều hơn vào tay nhà nước.”

Câu “của cải sẽ tập trung nhiều hơn vào tay nhà nước” có thể ám chỉ sự nổi lên của Trung Quốc trong tương quan đối trọng với Mỹ, của mô hình tư bản tập quyền nhà nước đối trọng với mô hình tư bản thị trường tự do.

Trong một thế giới đang ngày càng phực hợp và hợp tác hơn, sẽ là không hoàn toàn chính xác nếu quy giản nó về thành cuộc cạnh tranh giữa hai thế lực đối nghịch với hai tư tưởng hệ như thời chiến tranh lạnh. Nhưng, xét trên một khía cạnh nào đó, một quy giản như vậy có thể cho ta một khuôn khổ hình dung dễ dàng hơn vào thế giới thực.

Francis Fukuyama viết trong bài luận năm 1989 rằng chúng ta đang ở giai đoạn hoàng hôn của lịch sử nhưng đến câu cuối cùng, ông lại phân vân: “Có lẽ chính cái viễn cảnh buồn chán kéo dài hàng thế kỷ như thế khi lịch sử cáo chung, sẽ làm cho lịch sử một lần nữa bắt đầu.” Quả đúng thế, lịch sử lại đang bước sang vào một buổi bình minh mới nơi chủ nghĩa tự do theo mô hình Mỹ đang phải đối mặt với thách thức từ Trung Quốc và mô hình mang màu sắc của họ.

Trật tự chia đôi sẽ dẫn thế giới này đi tới kết cục như thế nào? Liệu đây có phải là cuộc chiến cuối cùng của lịch sử trước khi thật sự kết thúc? Trong giai đoạn nhá nhem, tranh tối tranh sáng này của buổi bình minh, ngay cả trật tự mới cũng chưa được nhìn thấy rõ ràng thì những câu hỏi ở tương lai xa như trên chưa thể trả lời được.

Nhưng có một điều đúng như báo chí phương Tây nhận định, “các lực lịch sử đang làm chuyển dịch trọng tâm thế giới ra xa dần nước Mỹ”. Chắc chắn, cuộc khủng hoảng 2008 là một yếu tố chủ lực góp phần tái cấu trúc lại để tạo ra một trật tự thế giới mới trong đó Trung Quốc trở thành một cực trong thế giới hiện thực.

Tuanvietnam

No comments:

Post a Comment