Câu chuyện về doanh nghiệp đóng cửa, thất nghiệp tăng lên, ngân hàng sụp đổ, hệ thống thanh toán thất bại, tăng cường tích tụ nhiều hàng hóa không bán được trên thị trường, phá giá tiền tệ, ... đã trở nên rất quen thuộc.
Theo quan điểm lịch sử thì khủng hoảng kinh tế hiện nay chẳng phải là một hiện tượng siêu nhiên nào cả.
Đó là quá trình thông thường, khủng hoảng tiến triển phụ thuộc sự vận động bên trong của hệ thống kinh tế.
Luật chu kỳ
Bất kỳ khủng hoảng nào cũng chỉ xuất hiện khi bị mất cân đối giữa những phần cấu thành sự thống nhất. Trong phạm trù kinh tế thì khủng hoảng xuất hiện khi thăng bằng giữa cầu và cung của hàng hóa hoặc dịch vụ bị mất.
Có bao nhiêu lý thuyết về kinh tế, thì có bấy nhiêu loại khủng hoảng kinh tế. Và gần như tất cả các lý thuyết đều nói là không thể tránh khỏi khủng hoảng kinh tế. Nó là một phần của hệ thống kinh tế và sẽ chỉ biến mất khi chúng ta xóa bỏ luật lệ kinh tế theo kiểu mẫu thị trường và kế hoạch.
Trường phái tự do chủ nghĩa khẳng định rằng kinh tế có tính chất chu trình, có thời kỳ phát triển và đổ vỡ, bởi vì nhu cầu tiêu dùng và đầu tư có dạng sóng. Còn chủ nghĩa Marx khẳng định rằng khủng hoảng tài chính là thuộc tính cần thiết của chủ nghĩa tư bản, vì mục tiêu chính trong hệ thống của chủ nghĩa tư bản đã khởi sự là phải thu lợi nhuận.
Mô tả dưới dạng sơ đồ thì nó thể hiện câu chuyện như sau: mức độ sản xuất hàng hóa tăng lên và vượt nhu cầu tương ứng khả năng thanh toán thực tế, dẫn tới chuyện phải cho vay tiền để mua hàng hóa với mục tiêu tăng cầu. Nợ nần dần dần tích lũy, tiền-hàng hóa không cho vay được nữa và sự sản xuất rút ngắn lại vì không cần thiết. Bắt đầu quá trình sa thải nhân viên-công nhân với quy mô lớn, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, mức độ sung túc trong cuộc sống và sinh hoạt sụt giảm.
Chu kỳ như thế này của hệ thống kinh tế chủ nghĩa tư bản là định lý. Những thời kỳ phát triển mạnh mẽ và suy sụp chuyền từ tay nọ sang tay kia. Các nhà bác học đã cố gắng tìm hiểu lý do của những khủng hoảng từ lâu, nhưng chưa có kết quả. Mỗi trường hợp là một câu chuyện khác nhau.
Nhìn lại lịch sử
Giáo sư đại học Oxford, nhà lịch sử học Phillip Kay cho rằng khủng hoảng tài chính đầu tiên trong lịch sử đã nổ ra vào thời kỳ đế chế La Mã năm 88 trước Công Nguyên. Khủng hoảng kinh tế đã diễn ra vào thời Trung cổ (Florence, năm 1342), thời đại Phục hưng (Venice, năm 1492), thời kỳ Cận đại (Pháp, năm 1720). Nhưng cho đến giữa thế kỷ 19, những hiện tượng đó mang tính chất địa phương là chủ yếu.
Trong quá trình hình thành chủ nghĩa tư bản, tần số và sự ảnh hưởng của chúng tăng lên. Nhưng điều chính là tất cả những khủng hoảng đó đều được khắc phục. Và cứ mỗi lần một quốc gia nào đó thoát khỏi cuộc khủng hoảng thì nó lại trở nên hùng mạnh hơn trước khi rơi vào khủng hoảng.
Khủng hoảng vào năm 1825 được coi là thảm họa tài chính toàn thế giới đầu tiên. Sau khi cuộc diễu hành giành độc lập đã lan đến Mỹ Latin, châu Âu đã nhập thêm vốn-tư bản cho lục địa đó, dẫn đến xuất khẩu và các món nợ quốc gia của những nước cộng hòa mới này tăng lên. Số vàng và bạc kiếm được ở Mỹ đã chuyển về cho nước Anh. Sự đầu cơ quá mạnh vào các kim loại qúy hiếm đã làm cạn kiệt các ngân hàng nước Anh và dẫn đến phá sản thị trường vốn. Khủng hoảng đã lan ra phần lớn lãnh thổ Tây Âu và Mỹ Latin.
Khủng hoảng trong thị trường chứng khoán năm 1836-1837 đã bao phủ Anh, Đức và Hà Lan.Toàn bộ hệ thống ngân hàng những nước đó bị thiệt hại nghiêm trọng.
Vào năm 1857, một trong những khủng hoảng có quy mô lớn nhất thế kỷ 19 bùng nổ. Những công ty đường xe lửa bị phá sản hoàn toàn dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng quốc gia nhiều nước, rồi đến sự sập đổ của hệ thống ngân hàng toàn châu Âu.
Nguyên nhân khủng hoảng tiền tệ năm 1861 ở Mỹ là cuộc nội chiến hai miền Nam - Bắc. Nhà nước đã không thể thanh toán được các khoản nợ sau khi vay ngân hàng. Khủng hoảng đã xuất hiện và kéo dài đến cuối cuộc chiến tranh.
Vào năm 1914 khủng hoảng tài chính tiếp theo bùng lên. Nhà nước Mỹ và phần lớn những nước châu Âu đã bán tống bán tháo ngân phiếu nhiều quốc gia khác để cung cấp cho những hoạt động quân sự của nước mình.
Thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh thế giới hoàn toàn là khủng hoảng kinh tế. Thời kỳ Đình Trệ năm 1920-1922 và giai đoạn Đại suy thoái năm 1929-1933 đã tác động đến đời sống mọi giới con người. Ngày “Thứ năm đen tối” vào tháng 10, ở thị trường chứng khoán New York, giá chứng khoán giảm đi 60-70%. Cùng lúc đó, nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng của Mỹ đã sụp đổ nhanh chóng.
Đến cuối tháng, những người giữ cổ phiếu bị mất hơn 15 tỷ đô-la, còn đến cuối năm, giá chứng khoán sụt xuống 40 tỷ đô-la – số tiền khổng lồ vào thời điểm đó. Liên tiếp, khủng hoảng bùng lên ở châu Âu. Vào năm 1933, ở những nước phát triển có tới hơn 30 triệu người chính thức thất nghiệp.
Khủng hoảng năm 1957-1958 lan tràn ra Mỹ, Canada và những nước Tây Âu. Sản xuất công nghiệp thế giới giảm đi 4%. Kinh tế Mỹ vào năm 1973-1974 bị thu hẹp lại và giống như trong thời kỳ Đại suy thoái. Kinh tế châu Âu tràn ngập trong bóng đen. Tại Anh, giá chứng khoán giảm đi 56%. Tình hình còn trầm trọng thêm vì khủng hoảng dầu mỏ kèm theo, giá một thùng dầu tăng từ 3 lên thành 12 đô-la.
Ngày 19/10/1987 được ghi nhớ ở lịch sử Mỹ là “Thứ hai đen tối”. Trong vòng một ngày, chỉ số quỹ Dow Jones Industrial sụt đi 22,6%. Tiếp theo thị trường Canada và Úc bị sụt giảm, còn sở giao dịch Hong Kong nghỉ việc trong vòng một tuần.
Vào năm 1994-1995, khủng hoảng nổ ra ở Mexico, hai năm sau thị trường quỹ của châu Á sụp đổ. Các chuyên gia kết luận rằng khủng hoảng ở châu Á làm GDP thế giới giảm 2 ngàn tỷ đô-la. Một năm sau Nga đã phải tuyên bố lạm phát và chấp nhận buông xuôi, vì món nợ nhà nước quá lớn. Thị giá đồng Rúp sụt giảm, còn những người đầu tư quay lưng lại với kinh tế Nga.
Chúng ta chỉ nêu tên những thời điểm chủ yếu trong lịch sử kinh tế, bởi vì còn rất nhiều ví dụ khác ít quan trọng hơn, nhưng vẫn tác động mạnh đến số phận nhiều nước... Cần phải nói rằng nhân loại sống với khủng hoảng nhiều hơn là thiếu nó, ít ra là trong một thế kỷ rưỡi gần đây.
Dự đoán cho tương lai
Có rất nhiều cách gọi tên một cuộc khủng hoảng tài chính – sự đình trệ, sự giảm sút hoặc quá trình giảm tốc độ, nhưng bản chất của nó không thay đổi. Nó là một “căn bệnh” như thế.
Khủng hoảng là hội chứng nói rằng thế giới không thể thực hiện kinh doanh như trước nữa. Cần phải cấp thiết khởi động lại toàn bộ hệ thống.
Nhà triết học thế kỷ 18 David Yum - người Scotland, nhà kinh tế học có tiếng nước Anh - đại diện trường phái cổ điển, David Riccardo ở thế kỷ 19 và nhà kinh tế học Liudvic phon Mizes vào thế kỷ 20, trong những lý luận của mình đều bênh vực ý kiến rằng khủng hoảng đã tác động có lợi cho toàn bộ hệ thống kinh tế.
Họ khẳng định rằng khủng hoảng là một quá trình, nhờ quá trình đó kinh tế thị trường được cứu thoát khỏi tình trạng cùng cực, kinh tế trong tương lai tránh được sai lầm từ sự phồn vinh tạm thời cùng với lạm phát lần trước; và tạo động năng để hồi phục tình trạng kinh tế vững chắc. Đình đốn là hiện tượng không dễ chịu, nhưng là sự phản ứng cần thiết.
Có nhiều ví dụ tác động có lợi của khủng hoảng. Ví dụ: “vào năm 1987 nó tỏ rõ sức mạnh của nước Nhật và khiến thực lực kinh tế và tài chính của Nhật biến chuyển rõ rệt” - chuyên viên tài chính George Soros nhận định về kết quả khủng hoảng năm 1987.
Theo ý kiến của nhà kinh tế học người Nga V. S. Milov, khủng hoảng ở Nga đã có vai trò tích cực trong việc phát triển kinh tế nước này, vì lý do khủng hoảng xuất hiện đòi hỏi nhà nước phải lập lại kỷ luật ngân sách-tài chính vốn đã bị tăng lên đột ngột sau những năm khủng hoảng, cho dù nó có tác động tiêu cực cho phúc lợi nhân dân.
Hơn nữa, khủng hoảng có thể làm chứng cứ về việc kinh tế những nước công nghiệp phát triển chuyển đổi khoa học kỹ thuật và kinh tế-xã hội lên cấp độ mới. Khủng hoảng xuất hiện khi hệ thống tài chính và kinh tế tích lũy quá nhiều thành phần xơ cứng, không hiệu quả và không hợp lý.
Kinh tế của Mỹ giảm bớt việc thế chấp, nhưng đó chỉ là lý do mà theo quy luật đô-mi-nô, đã vạch trần những vết thương kinh tế thế giới được che giấu từ lâu. Sự giảm sút đã tạo thuận lợi trong việc loại bỏ bộ phận yếu kém trong dây xích kinh tế thế giới và có thể là phần lớn nền kinh tế các nước phát triển.
Một nước nào đó trải qua càng nhiều chấn động kinh tế, càng nhiều điểm yếu được loại bỏ, và khi kinh tế thoát khỏi khủng hoảng, càng khỏe mạnh hơn trước. Trước đây luôn luôn thế, và khủng hoảng hiện nay sẽ không phải là ngoại lệ. Cũng có khả năng khủng hoảng có thể hủy diệt kinh tế. Nhưng trong trường hợp hiện nay, phải đặt những nhân tố chính trị và xã hội lên trên để tạo điều kiện làm đoàn kết xã hội như một khối thống nhất. Trong trường hợp này không cần thiết phải nói về sự tử-vong-kinh-tế, cho dù đó không phải là ngoại lệ.
Khách quan mà nói, khủng hoảng không thể hoạch định trước. Chúng là cấu thành khăng khít của hệ thống chủ nghĩa tư bản thế giới. Sau này, khủng hoảng kinh tế vẫn sẽ tiếp tục. Điều chủ yếu là rút ra được những kết luận đúng từ lịch sử và không phí thời gian vô ích.
Khủng hoảng hiện nay khác với trước bởi vì thành phần văn hóa-xã hội đã không như trước. Không được phép sống theo cách "không hợp với túi tiền". Chúng ta cũng cần phải xem xét lại triết lý về cách đối xử với đồng tiền.
Và cuối cùng, “krisis” dịch từ tiếng Hy Lạp cổ là “chỗ ngoặt”, vì thế cần phải hiểu rõ cái gì có thể sẽ chờ đợi chúng ta sau chỗ ngoặt đó.
Trừ khi quá cấp thiết cứ để lửa dọn dẹp hết cành khô hơn là lo chữa sớm. Còn đối với nhà kinh tế thì Suy thoái là lúc mà Khủng hoảng dọn dẹp lại cho nền kinh tế.
Đó đều là những quá trình tự nhiên.
Người ta thường khiếp sợ cháy rừng, nhất là khi tính mạng hay tài sản của mình bị đe dọa, hay khi lưỡi lửa đáng liếm dần đến các danh thắng. Lửa bị căm ghét nhất khi nó thiêu trụi 1/3 Công viên quốc gia Yellowstone tại Mỹ năm 1988.
Tuy vậy, kiểm lâm nào cũng biết tốt nhất nên để những vụ cháy rừng tự nhiên tự tàn, trừ tình huống đặc biệt nguy hiểm. Cháy là một phần trong quá trình tái sinh tự nhiên của rừng. Hơn nữa, lửa dọn quang tầng cây thấp, để chúng không trở thành nhiên liệu cho những đám cháy lớn hơn trong tương lai.
Các nhà kinh tế vĩ mô hiện đại có lẽ sẽ học được điều gì đó từ những người giữ rừng. Trong suốt hàng thập kỷ, những đợt suy thoái và thậm chí mới chỉ là “có nguy cơ” suy thoái đều được giải quyết bằng những gói kích thích tài khóa tiền tệ khổng lồ.
Chúng theo sau vụ sụp đổ của thị trường chứng khoán thế giới năm 1987, rồi lặp lại khi bong bóng bất động sản tại nhiều nước nổ tung đầu những năm 1990.
Lãi suất ngừng tăng trong cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997, kể cả khi các chỉ báo truyền thống cho thấy nền kinh tế các nước công nghiệp đang quá nóng. Lãi suất sau đó giảm mạnh vào năm 1998, sau vụ đổ vỡ của quỹ đầu cơ Long-Term Capital Management, rồi lại được hạ thấp hơn nữa khi bong bóng dotcom nổ tung năm 2001.
Ngày nay, chính sách lãi suất ở hầu hết các quốc gia công nghiệp là gần 0 để đối phó với khủng hoảng tài chính.
Điều đáng suy ngẫm là có phải chính những hành động này đang gieo mầm cho những đợt suy thoái tiếp theo?
Tệ hơn là, nợ dồn ứ do lãi suất thấp không khác gì củi khô chất đống giữa rừng. Đống củi khô này chẳng những làm những đợt suy thoái tiếp theo nguy hiểm hơn; mà còn làm các công cụ chính sách hiện có trở nên kém tin cậy.
Nghiên cứu các chu kỳ kinh doanh trước đây cho thấy lãi suất phải hạ ngày một mạnh hơn để tạo cùng một hiệu ứng với chi tiêu (mà đôi khi còn không bằng). Gần đây, những chính sách hoàn toàn mới như “nới lỏng định lượng” đã được sử dụng.
Quá trình này có lẽ sẽ kết thúc bằng một trận đại hỏa hoạn không gì ngăn nổi.
Những người theo trường phái Keynes đã đúng khi cho rằng có sự thiếu hụt tổng cầu. Họ đi đến kết luận rằng cần kích cầu bằng bất kỳ giá nào.
Tuy vậy, ngoài những vấn đề tiềm ẩn ở phía cầu, phía cung cũng có những rắc rối của riêng mình. Đây là trọng tâm trong lập luận của Friedrich Hayek chống lại Keynes vào đầu thập kỷ 30.
Sau nhiều gói kích cầu trong các thập niên vừa qua cùng sự hiểu ngầm giữa các nhà đầu tư rằng tương lai sẽ giống như quá khứ, sản lượng tiềm năng của nhiều ngành đã tăng mạnh.
Kết quả là nhiều công ty đã quá lớn và cần phải thu hẹp sản xuất. Ô tô, dịch vụ ngân hàng, xây dựng, nhiều bộ phận trong ngành giao thông vận tải, bán buôn và cả phân phối bán lẻ nữa đều nằm trong diện này.
Tương tự như vậy, những quốc gia xem xuất khẩu như một chiến lược tăng trưởng giờ đang cung cấp hàng hóa dịch vụ một cách rụt rè cho những quốc gia con nợ đã không còn có mong muốn cũng như khả năng mua.
Về phía cung, những chính sách như “đổi xe cũ lấy xe mới” và giảm thuế giá trị gia tăng ở các quốc gia có tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình thấp và thâm hụt thương mại cao rõ ràng là không hiệu quả. Các quốc gia có thặng dư thương mại lớn cố ghìm giữ tỷ giá để tiếp tục dựa dẫm vào xuất khẩu cũng vậy.
Những chính sách như thế không khác nào cố làm sống lại một tử thi đã lạnh. Thời gian sẽ không chỉ chứng minh rằng những cố gắng ấy là vô hiệu mà nó còn ngăn cản nguồn lực chảy từ những ngành đã suy tàn sang những ngành nhiều tiềm năng phát triển.
Thực tế, chỉ dựa vào các gói kích thích kinh tế vĩ mô tuy giúp tránh được một cuộc suy thoái tồi tệ nhưng lại tạo tiền đề cho một cuộc suy thoái thậm chí còn tồi tệ hơn. Có lẽ đây là bài học chính rút ra từ hai thập kỷ trì trệ của Nhật Bản.
Cố chống lại sự điều chỉnh cơ cấu kinh tế có thể làm giảm tăng trưởng tiềm năng trong tương lai. Đi kèm với nó là nguy cơ đình lạm, nếu gói kích cầu không được điều chỉnh giảm.
Vậy chính phủ nên làm gì? Trong tương lai, khi đối phó với khủng hoảng, chính phủ nên nhấn mạnh đến các chính sách dài hạn. Những chính sách có nguy cơ làm khủng hoảng trong tương lai thêm trầm trọng hoặc ngăn chặn đà điều chỉnh cơ cấu kinh tế cần được dỡ bỏ.
Những sự đánh đổi này có ẩn ý rằng chấp nhận suy thoái kinh tế tạm thời để tránh phải trả giá đắt trong tương lai. Theo cách hiểu này, quản lý tốt thời khủng hoảng cũng góp phần ngăn ngừa khủng hoảng.
Nhưng còn nhiều điều phải làm nếu muốn tránh khủng hoảng. Giống như người kiểm lâm giỏi biết dọn bỏ tầng cây thấp và củi mục, chính phủ cần ngăn ngừa tăng trưởng nhờ tín dụng mà hậu quả của nó là bong bóng tài sản và chi tiêu không bền vững.
Những báo cáo gần đây từ nhiều cơ quan giám sát tại các thị trường tài chính phát triển đồng tình rằng các công cụ giám sát đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại hiện tượng này.
Giá tài sản trên toàn thế giới đang tăng mạnh, nên vấn đề này cần ngay lập tức được lưu tâm. Vì một chu kỳ bùng nổ và suy thoái nữa có thể có những tác động chính trị xã hội tiêu cực vượt xa khỏi lĩnh vực kinh tế.
Tuanvietnam
No comments:
Post a Comment